Tin mới

Người Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã tận tụy với công việc ​

(Mặt trận) - Hơn 13 năm công tác ở Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thị trấn Dương Minh Châu và giữ chức Chủ tịch, chị Nguyễn Thị Thắng luôn hết mình với nhiệm vụ và là "đầu tàu" của nhiều phong trào.  

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn, từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu cùng với các thành viên trong Ban Thường trực MTTQ thị trấn thường xuyên đi đến từng cơ sở để nắm tình hình, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì như, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phối hợp với các cơ sở tôn giáo và các tổ chức thành viên vận động quỹ bán trả góp cho các hộ khó khăn; phối hợp với các cơ sở tôn giáo cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.

Chị Thắng (thứ nhất bên trái) trao trao đổi với các Ban CTMT về bán trả góp BHYT cho một hộ nghèo.

Ông Trịnh Thế Khải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn cho biết: Các phong trào của Mặt trận thị trấn luôn được đề cao, các mô hình về cảm hóa các đối tượng thi hành xong án phạt tù, vận động nhân dân bảo vệ môi trường rất hiệu quả. Chị Thắng và Ban Thường trực Mặt trận thị trấn thực hiện trên tinh thần dân chủ, thường xuyên họp thống nhất với các thành viên để triển khai thực hiện các mô hình.

Nhờ sự tích cực của chị Thắng cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, các phong trào mà MTTQ thị trấn Dương Minh Châu triển khai đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng công tác vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, MTTQ thị trấn đã vận động 100% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, vận động nhân dân và cơ quan, đơn vị đăng ký việc thu gom rác thải để đưa đi xử lý ở những nơi tập trung. Mặt trận cùng các đoàn thể vận động mua đặt 160 thùng đựng rác ở những nơi công cộng như ở cổng trường học, chợ, tại trụ sở làm việc,… để người dân bỏ rác đúng nơi quy định, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung; đồng thời hướng dẫn người dân thu gom, phân loại phế liệu để bán lấy tiền gây quỹ học bổng hỗ trợ cho trẻ em nghèo. Qua 3 năm thực hiện, MTTQ thị trấn cùng các thành viên, tôn giáo đã vận động thu gom phế liệu bán ve chai được số tiền hơn 70.000.000 đồng, đã trao gần 200 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, góp phần động viên, khuyến khích các em vươn lên trong học tập.

"Trong suốt 13 năm làm công tác vận động nhân dân, khó khăn nhất chính là công tác cảm hóa, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, do nhiều người còn mặc cảm vì đã từng phạm tội", chị Thắng chia sẻ.

Nắm được tâm lý đó, chị cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn và các cơ sở tôn giáo đã đến từng hộ gia đình có người từng phạm tội để lắng nghe tâm tư, chia sẻ của họ, nếu gia đình nào khó khăn sẽ tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất để những người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm.

Chị bộc bạch: "Khi nghe nói đến người chấp hành xong án phạt tù, thường người ta có sự kỳ thị, chúng tôi kiên trì vận động, giải thích cho họ hiểu và đến nay cơ bản nhân dân đã có cái nhìn cảm thông hơn". Từ đó, Mặt trận đã vận động hỗ trợ xây tặng 02 căn nhà cho đối tượng mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trị giá 77.000.000 đồng; tặng 01 tivi trị giá 3.000.000 đồng; giới thiệu việc làm cho 32 đối tượng được cảm hóa, hỗ trợ tặng học bổng cho 01 em học sinh thuộc gia đình đang cảm hóa số tiền là 3.540.000 đồng; những người khó khăn về kinh tế, chị Thắng cùng với Ban Thường trực và các tổ chức thành viên cho vay vốn. Trong 3 năm, đã cho vay hơn 80 triệu đồng.

Chị Thắng phát biểu trong cuộc họp giao ban với các Ban CTMT đánh giá về công tác vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường.

Chị Thắng cho biết thêm: "Lúc đầu thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn, do mới thực hiện lần đầu nên cán bộ phụ trách chưa nắm hết các quy định của pháp luật về việc xóa án tích, phải đi lại nhiều lần ở nhiều cơ quan khác nhau mới hoàn tất được hồ sơ xóa án. Hơn nữa, có khi đến liên hệ cơ quan chức năng xin được cung cấp các tài liệu để MTTQ thị trấn giúp hoàn tất thủ tục xóa án tích cho người thi hành án xong thì không được đồng ý vì cho rằng làm hồ sơ xóa án tích là việc của bản thân người chấp hành xong án, không phải là trách nhiệm của MTTQ".

Tuy nhiều khó khăn, nhưng chị Thắng vẫn quyết tâm thực hiện, mong làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Qua hơn 03 năm thực hiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn đã hướng dẫn và làm hồ sơ xóa án tích cho 36 trường hợp, trong đó 14 trường hợp đã có quyết định xóa án tích của tòa án.

Với sự nhiệt tình trong công việc, chị luôn nghĩ đến những cách làm mới để công tác Mặt trận vừa gần dân, vừa thiết thực. Thấy nhiều gia đình nghèo không có khả năng mua BHYT một lần cho các thành viên trong gia đình, chị bắt tay vào thực hiện mô hình “MTTQ thị trấn bán bảo hiểm trả góp cho hộ cận nghèo, khó khăn trên địa bàn thị trấn”, với phương thức, vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, khó khăn; định kỳ hàng tháng, MTTQ thị trấn thu tiền người dân trả dần (không có lãi).

 MTTQ thị trấn cùng công an và đại diện đạo Cao Đài đến thăm đối tượng được tha tù, đặc xá.

Việc gì có ích cho người dân là chị sẵn sàng làm. Chị sáng kiến thành lập “Tổ công tác Mặt trận từ thiện” nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đột xuất cho các hộ khó khăn, định kỳ hàng tháng tổ chức nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện huyện.

Hưởng ứng tích cực việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với "rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận", chị Thắng vận dụng đưa nội dung vào trong sinh hoạt định kỳ của Ban CTMT ấp, khu phố và đề nghị các Ban CTMT mỗi tháng, sinh hoạt một mẩu chuyện về Bác để cùng nhau học tập và làm theo. Cuối năm, bình xét, đánh giá, lựa chọn gương tiêu biểu để biểu dương tại lễ kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Với những nỗ lực, trách nhiệm trong công tác, chị được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm (2011-2016) thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Năm 2017, chị được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên dương là Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn tiêu biểu (giai đoạn 2014 - 2017). Ngoài ra, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Dương Minh Châu còn tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho những thành tích mà chị đạt được trong suốt thời gian qua.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác Mặt trận, chị Nguyễn Thị Thắng cho biết: Muốn thành công trong công tác vận động quần chúng, người cán bộ Mặt trận phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Ngoài việc tích cực nghiên cứu, trao dồi nâng cao trình độ, bản thân cán bộ Mặt trận phải nhiệt tình, gương mẫu trước công việc được giao và kiên trì, bền bỉ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, khi đó công tác tuyên truyền vận động mới được người dân tin tưởng thực hiện theo.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản