Bối cảnh, tình hình phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam với những đặc điểm cơ bản: (1) Nước ta gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau theo các tiêu chí: Sắc thái văn hóa đặc trưng và có tên gọi dân tộc (tộc người); có ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) và có ý thức tự giác tộc người. (2) Mỗi thành phần dân tộc không phải là một tập hợp biệt lập, riêng rẽ về chính trị - xã hội, mà là một bộ phận cấu thành dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng. (3) Các thành phần dân tộc có quá trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. (4) Các dân tộc cư trú đan xen nhau, phân tán trên mọi vùng miền của đất nước, không có lãnh địa riêng của từng dân tộc. (5) Dân số các dân tộc không đều nhau, dân tộc đa số là dân tộc có số dân đông nhất, các dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số (DTTS). (6) Phần lớn các DTTS sinh sống ở vùng cao, miền núi, vùng sâu vùng xa là những nơi mà kết cấu hạ tầng, mặt bằng dân trí còn rất thấp kém so với các vùng khác.
Để hoạch định CSDT phù hợp với đặc điểm cơ bản của cộng đồng các dân tộc, với đặc thù của mỗi vùng miền, của từng đối tượng cụ thể và để chính sách ban hành ra sớm đi vào cuộc sống, chúng ta đã phân định vùng DTTS theo điều kiện địa lý tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn các xã đặc biệt khó khăn - vùng nghèo nhất nước để tập trung đầu tư, hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu là sự đổi mới cả về nhận thức và phương pháp xây dựng CSDT. Nếu như trước đây, việc thực hiện CSDT thường theo lộ trình “dễ làm trước, tiến dần đến những vùng khó khăn hơn”, nay đổi lại chọn nơi nghèo khó nhất để tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Đổi mới cách làm như vậy đã góp phần rất lớn vào việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo (mà cực nghèo phần lớn là ở vùng DTTS, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa). Với phương châm “Nơi nào khó khăn hơn, được quan tâm ưu tiên nhiều hơn” (Phương châm này nên đặt thành nguyên tắc trong công tác dân tộc). CSDT không thể chỉ dừng lại ở những nguyên lý chung và không thể là những quyết sách áp dụng đồng loạt cho tất cả các dân tộc ở mọi trình độ phát triển khác nhau trên mọi vùng miền của đất nước.
Với kết quả đạt được từ Chương trình 135, đã chứng tỏ sự cần thiết CSDT phải được cụ thể hóa phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Việc xác định rõ địa bàn, đối tượng của chính sách càng cụ thể thì triển khai thực hiện càng thuận lợi, đưa các chính sách đó sớm đi vào cuộc sống, đưa khu vực đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS sớm hòa nhập vào nhịp độ phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, chính sách theo vùng cũng có những hạn chế đối với những địa bàn giáp ranh (xã, thôn bản) với địa bàn các Chương trình mục tiêu nói trên, tuy có điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương tự nhau, nhưng không được hưởng chính sách, do không thuộc phạm vi chương trình theo địa giới hành chính (thực tế này có thể dẫn đến sự “so bì thắc mắc” của người dân và có lúc của cả cấp chính quyền địa phương, nếu không giải thích rõ để hiểu đúng, thì có thể sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động). Do đó, đối với chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn phải tính tới thôn bản, thậm chí từng hộ gia đình. Khi thực hiện các chính sách này cần tránh “bình quân, cào bằng” làm hạn chế hiệu quả hỗ trợ. Chính sách cụ thể đối với một số DTTS quá ít người (vài ngàn, thậm chí chỉ vài trăm người mỗi dân tộc) cần thiết có sự trợ giúp trực tiếp của Nhà nước, vì mỗi dân tộc khó có thể tự mình giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, ngôn ngữ dân tộc và ý thức tự giác tộc người. Các chính sách về tăng cường công tác dân tộc (CTDT) đối với các vùng đồng bào: Khmer, Chăm, Hoa và Mông cũng là rất cần thiết trong những giai đoạn cụ thể. Tuy vậy, trên thực tế không thể và không bao giờ đặt ra 54 chính sách riêng biệt cho 54 thành phần dân tộc. Nếu quá thiên lệch về chính sách cho từng dân tộc cụ thể, sẽ dẫn đến khuynh hướng dân tộc cực đoan, cục bộ, phá vỡ khối đại đoàn kết thống nhất trong đa dạng của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải là nhận thức thống nhất, nhất quán mang tính nguyên tắc trong hoạch định CSDT và thực hiện CTDT.
Một số vấn đề đặt ra trong đổi mới chính sách dân tộc hiện nay
Những khó khăn, thách thức đang đặt ra hiện nay: (1) Cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) vùng đồng bào DTTS nhìn chung vẫn còn thấp kém, trước hết là đường giao thông, hệ thống thủy nông thủy lợi; mặt bằng dân trí và các điều kiện tiếp cận thông tin, thị trường sản xuất hàng hóa, tiến bộ khoa học - công nghệ của cách mạng công nghệ 4.0. (2) Khoảng cách chênh lệch, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng dãn cách. (3) Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc trong quá trình phát triển, giao lưu, giao thoa giữa các vùng miền trong nước và hội nhập quốc tế. (4) Vấn đề môi trường (môi trường sinh thái tự nhiên: rừng, biển, sông ngòi; môi trường sống: sức khỏe, y tế, vệ sinh… nhiều nơi bị xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng); biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngày càng rõ nét với những hậu quả khôn lường. (5) Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân tộc cực đoan, xu hướng ly khai,… để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện CSDT, là: (1) Vấn đề dân tộc và CTDT ở một số nơi chưa được quán triệt một cách sâu sắc, nhận thức chưa thật đầy đủ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngang tầm với nhiệm vụ CTDT đặt ra trong bối cảnh hiện nay. (2) CSDT chậm được cụ thể hóa, phù hợp đặc điểm đặc thù mỗi vùng miền, từng đối tượng. Đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi còn thấp, chưa đủ mạnh, sự phối hợp lồng ghép trong thực hiện CSDT chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. (3) Công tác tuyên truyền về CSDT chưa kịp thời; ý thức tự lực cánh sinh của một bộ phận đồng bào DTTS chưa được phát huy tốt, còn nặng trông chờ, ỷ lại. (4) Công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện CSDT chưa thường xuyên; việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án chưa được quan tâm đúng mức. (5) Tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc tuy đã từng bước được bổ sung kiện toàn, nhưng vẫn còn bất cập, chưa thật ổn định, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Trong giai đoạn tới, cần xây dựng CSDT phải dựa trên cơ sở đặc điểm của cộng đồng các dân tộc nước ta và phải phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, CSDT nổi bật là cuộc vận động định canh định cư, thực hiện từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với lộ trình “Nơi nào thuận lợi làm trước, tiến dần đến những vùng khó khăn hơn” theo cơ chế kế hoạch hóa, sau này chuyển phương pháp thực hiện bằng các dự án cụ thể. Cho đến nay, sau rất nhiều năm, vẫn còn bộ phận du canh du cư mặc dù rất nhỏ ở những nơi rất đặc biệt khó khăn. Những năm cuối của thế kỷ XX, thực hiện đổi mới công tác dân tộc bằng nhiều nội dung, phương thức mới, mà điển hình là Chương trình 135 (trên cơ sở phân định vùng DTTS và miền núi thành 3 khu vực)1. Bước đột phá là tập trung vào nơi khó khăn, nghèo đói nhất. Với kết quả rất đáng kể từ Chương trình 135 mang lại trong công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” đã hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo… khẳng định sự cần thiết của việc thực hiện CSDT bằng Chương trình mục tiêu. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, với những thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đặt ra, CSDT cần tiếp tục triển khai bằng Chương trình mục tiêu quốc gia (lớn hơn hoặc chí ít bằng Chương trình 135, như cách nói trong công tác di dân tái định cư: Nơi ở mới phải hơn hoặc bằng nơi cũ).
Chính sách dân tộc thực chất là hệ thống chính sách đặc thù về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội mang tính đa ngành. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan: Không thể đặt một chính sách chung áp cho mọi vùng miền, mọi đối tượng khác nhau trong một quốc gia đa dân tộc. Đây cũng là tính thống nhất biện chứng hai mặt của một vấn đề: (1) CSDT là bộ phận của hệ thống chính sách phát triển quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Hiểu một cách phổ quát là bộ phận đó đặt trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật và quan điểm đường lối phát triển trong từng thời kỳ cụ thể do Đảng, Nhà nước đề ra. (2) CSDT là cụ thể hóa chính sách phát triển đất nước về mọi mặt, thành các chính sách đặc thù để thực hiện có hiệu quả đối với vùng DTTS và miền núi.
Thực hiện CSDT bằng Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình hợp lý; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cào bằng, bình quân (mà có lúc, có nơi tưởng như vậy là công bằng bình đẳng); khắc phục những hạn chế của việc “phối hợp, lồng ghép các chương trình dự án khác nhau trên cùng địa bàn” khá phổ biến từ trước đến nay.
Khi triển khai thực hiện CSDT theo chương trình mục tiêu đối với vùng đặc biệt khó khăn (khu vực III) cần xử lý hài hòa, những địa bàn giáp ranh vùng dự án của chương trình được xác định theo địa giới hành chính (xã, huyện, tỉnh), nhất là các thôn bản, hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở khu vực II, thậm chí cả khu vực I.
Chính sách dân tộc phải tạo động lực để khắc phục vượt qua tâm lý tự ti, trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Chuyển cách hỗ trợ cho không, sang các hình thức vay ưu đãi tín dụng cùng với hướng dẫn sử dụng vốn vào sản xuất bằng khuyến nông, khuyến lâm… Phương thức thực hiện CSDT phải kích thích phát huy tiềm năng thế mạnh tại chỗ để đồng bào DTTS vượt lên chính mình, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mình, gia đình và bản làng của mình. Để có được kết quả đó, Chương trình mục tiêu đối với vùng DTTS và miền núi tới đây phải dự tính các nguồn lực đủ tầm, đủ mạnh để tạo bước đột phát và bền vững. Tránh tình trạng các dự án hỗ trợ chỉ như “cú hích” ban đầu, không có bước tiếp theo khi dự án kết thúc lại trở lại tái nghèo, tạo tâm lý “không muốn ra khỏi diện nghèo”. Trên thực tế vẫn còn những nơi vùng DTTS và miền núi “ranh giới” giữa thoát nghèo và tái nghèo rất mong manh, nhất là sau thiệt hại do thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu…
Chính sách dân tộc trong giai đoạn tới cần xác định mục tiêu và nội dung không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (như đã làm ở Chương trình 135 giai đoạn đầu), mà cần đồng thời tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp cho bà con cách làm ăn mới hiệu quả hơn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu và xem đây là một nội dung chủ yếu của Chương trình mục tiêu giai đoạn tới. “Cho cần câu chứ không phải cho con cá”, nhưng như thế chưa đủ, cho “cần câu” rồi cần hướng dẫn bà con cách “câu cá” và cách “bán cá”.
Tiếp tục chọn địa bàn đặc biệt khó khăn (theo tiêu chí mới đa chiều và bền vững) như đã làm hơn 20 năm qua theo nguyên tắc “Nơi nào khó khăn nhất, phải được ưu tiên nhiều nhất”. Đổi mới nội dung, phương thức CTDT, khắc phục hạn chế của phương pháp kế hoạch hóa tập trung, bao cấp cấp trước đây và những biến tướng của cơ chế “xin - cho” trong thực hiện CSDT.
Bế Trường Thành
TS, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Kinh tế miền núi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc
Chú thích:
1. Khu vực I bước đầu phát triển với 930 xã, khu vực II tạm thời ổn định với 1.855 xã và khu vực III đặc biệt khó khăn gồm 1.715 xã (công bố năm 1997).