Tin mới

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ảnh được bản chất và vị trí, vai trò của Mặt trận trong xã hội Việt Nam nói chung và trong đời sống tôn giáo nói riêng dưới thời hiện đại. Trong đó, cái mới của Mặt trận Tổ quốc là phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm Giám mục Giáo phận Cần Thơ Tri Bửu Thiên. (Ảnh Quốc Trung - Tuấn Quang)

Khái quát về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, nếu so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định Số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, có nhiều điểm mới và điểm bổ sung. Trong đó, có 5 điểm mới rất cơ bản như sau:

Thứ nhất, Luật đã mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”.

Mở rộng phạm vi chủ thể, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, thay vì quyền công dân như Hiến pháp trước 2013. Điều này không chỉ cho thấy về sự tiến bộ và trách nhiệm của luật pháp Việt Nam trong việc luật hóa các quyền con người của người Việt Nam, mà còn phản ánh sự đổi mới về chất của nhận thức xã hội - chính trị đối với bộ phận đông đảo nhân dân có tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, Luật mở ra vấn đề trách nhiệm của pháp luật và của xã hội phải tôn trọng, bảo hộ và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.    

Ở đây, Luật đã góp phần làm bình thường hóa mâu thuẫn nhận thức giữa duy vật với duy tâm, giữa vô thần với hữu thần; góp phần hạn chế sự kích động, thổi phồng mâu thuẫn của một số ít người, đưa mâu thuẫn nhận thức, xã hội lên thành mâu thuẫn đối kháng, mất còn.

Thứ hai, Luật đã dành cả một chương quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chương II, với 4 điều, đã quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên các phương diện: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Quyền của tổ chức tôn giáo; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những quy định đó tỏ ra toàn diện, khi đã quy định cả về quyền và nghĩa vụ. Nó cũng khá cụ thể và về cơ bản tương tự với quy định của luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo(1). Luật có một điều (cuối Chương I), quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và cũng khá sát với nhận thức chung của thế giới đương đại.

Quy định này của Luật thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và đã làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh của Luật.

Thứ ba, Luật xác định rõ ràng, cụ thể hơn vấn đề tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo.

Luật xác định tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại, theo đó, việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của luật pháp (rất quan trọng ở Bộ luật Dân sự)(2). Đây là một nội dung mới và cũng là một vấn đề nhận thức mới của xã hội Việt Nam đối với lĩnh vực tôn giáo. Qua đó, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức tôn giáo, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Nó cũng giúp xã hội nhận thức và phân biệt rõ hơn về tính đặc thù của tổ chức tôn giáo.

Quy định này phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế và với thực tiễn của các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, vấn đề này còn phải được Chính phủ quy định chi tiết và rõ ràng về trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo.

Thứ tư, Luật quy định về nguyên tắc việc các tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo.

Luật quy định, các tôn giáo được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật. Cũng như vậy, các tôn giáo được hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan(3).

Đây là vấn đề được cả người có và không có tôn giáo quan tâm. Song, để các tôn giáo có thể đảm đương các hoạt động này, nhất là hoạt động ở lĩnh vực giáo dục và y tế thì phải có thời gian để các chủ thể tích lũy thêm nữa các điều kiện cần và đủ. Mặt khác, chính sách, pháp luật tầm vĩ mô trên các lĩnh vực này cũng cần có những bổ sung.

Thứ năm, Luật phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và đưa ra việc xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã quy định trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp. Trách nhiệm thực thi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc được quy định rõ. Trong quy định xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Luật chú trọng việc xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Luật cũng chỉ ra các hành vi vi phạm và sẽ xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Quy định này, một mặt tạo ra sự công bằng từ phương diện chế tài của luật pháp, mặt khác, làm cho ý thức trách nhiệm đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cán bộ, công chức nhà nước, mà rộng hơn là cán bộ của cả hệ thống chính trị được nâng lên. Những điểm mới cơ bản trên đây của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo là căn cứ chính để Chính phủ xây dựng 2 nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc có một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tôn giáo của hệ thống chính trị Việt Nam. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được quy định rõ trong Luật là:

1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo(4).

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ảnh được bản chất và vị trí, vai trò của Mặt trận trong xã hội Việt Nam nói chung và trong đời sống tôn giáo nói riêng dưới thời hiện đại. Trong đó, cái mới của Mặt trận Tổ quốc là phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Để Mặt trận Tổ quốc hoàn thành trách nhiệm trong thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần triển khai công tác trên tất cả những quy định của Luật, với tinh thần đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức công tác tôn giáo. Ở đây, cần nhấn mạnh tới hai lĩnh vực mang tính đặc thù và căn cốt của Mặt trận Tổ quốc hiện nay, là công tác dân vận đồng bào các tôn giáo và phản biện, giám sát trong công tác tôn giáo.

Mặt trận đổi mới công tác dân vận chức sắc tín đồ, tín đồ các tôn giáo.

Công tác tác dân vận tín đồ, chức sắc tôn giáo chỉ có hiệu quả cao và thành công khi mỗi cán bộ Mặt trận nắm vững chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và đổi mới nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là những yêu cầu mang tính tiên quyết nhưng không phải dễ dàng đối với người làm công tác tôn giáo của hệ thống chính trị nói chung và của Mặt trận Tổ quốc nói riêng. Bởi vì hiện nay đang có không ít văn bản liên quan tới chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; cũng như đời sống tín ngưỡng, tôn giáo nước ta rất phong phú, với 13 tôn giáo đã có tư cách pháp nhân.

Như vậy, đổi mới ở đây trước hết là đổi mới con người - cán bộ công tác tôn giáo của Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, do đó việc tìm chọn, bồi dưỡng và sử dụng người làm công tác tôn giáo cần được khai thác từ môi trường chính trị - xã hội, vốn là điểm đặc thù và đơn nhất của Mặt trận. Nhận thức và hành động theo hướng này, nguồn cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc chắc chắn sẽ rất đa dạng và đông đảo. Họ là những người có uy tín, tiêu biểu trong xã hội; là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; là cốt cán phong trào, có hoặc không có tôn giáo; là các chuyên gia, cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đang công tác nhưng có điều kiện và tự nguyện làm việc cho Mặt trận.

Nguồn cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận sẽ không bao giờ cạn khi mà nhân dân ngày càng yêu mến, kỳ vọng ở Mặt trận, hơn nữa, Hiến pháp và pháp luật rất coi trọng vị trí, vai trò chính trị - xã hội của Mặt trận.

Tiếp theo, Mặt trận các cấp cần quan tâm xây dựng kế hoạch, giải pháp, cả chiến lược và cấp bách, cả tự thân và phối hợp đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý cán bộ làm công tác tôn giáo, để họ có kiến thức về tôn giáo và chuyên môn, kỹ năng công tác tôn giáo Mặt trận.

Đổi mới dân vận đồng bào tôn giáo, Mặt trận cần chú trọng hơn đến vai trò của chức sắc tôn giáo và tổ chức tôn giáo, từ đó mở ra mối quan hệ hợp tác tốt với họ. Quan hệ hợp tác tốt đòi hỏi không dừng lại ở “xã giao”, thăm hỏi, mà quan trọng hơn là Mặt trận và chức sắc tôn giáo chia sẻ công việc với nhau, từ đó chia sẻ khó khăn để hợp tác, tạo điều kiện hoàn thành công việc.   

Đổi mới việc phản biện xã hội và giám sát trong công tác tôn giáo.

Quy định về việc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã thể chế hoá Hiến pháp, là Mặt trận phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Như vậy, không gian phản biện xã hội là rất rộng và nội dung phản biện rất hệ trọng, đòi hỏi Mặt trận cần phát huy được thế mạnh của mình để tổ chức phản biện có chất lượng, hiệu quả; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Nhà nước.

Mặt trận nên chủ động xây dựng kế hoạch phản biện trên cơ sở nắm vững thông tin dự thảo văn bản pháp quy liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan Nhà nước. Trong tổ chức phản biện xã hội, việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn và của các chuyên gia là rất cần thiết. Song, Mặt trận cần tổ chức và lấy ý kiến phản biện xã hội của các tổ chức tôn giáo qua các hình thức phong phú, như tổ chức các cuộc họp theo chủ đề hoặc lồng ghép nội dung, có thể do Mặt trận chủ trì, hoặc do tổ chức tôn giáo.

Mặt trận cần quan tâm đến việc lấy ý kiến phản biện của tín đồ tôn giáo. Phản biện không chỉ dựa trên lập luận khoa học, mà còn dựa vào chứng cứ thực tiễn từ nhân dân lao động. Vì vậy, Mặt trận nên triển khai nhiều hình thức để nhân dân - tín đồ các tôn giáo phản biện xã hội đối với các quyết sách chính trị. Chẳng hạn, tổ chức điều tra xã hội học trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông, nhất là internet. Việc này, nếu có hiểu biết về tín đồ tôn giáo và có thời gian, cách làm phù hợp, thì tính hiệu quả rất cao, khi nâng cao được trình độ dân trí và tính tích cực chính trị của tín đồ tôn giáo Việt Nam.

Về trách nhiệm giám sát của Mặt trận, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc là: Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo(5). Giám sát của Mặt trận không mang tính quyền lực nhà nước, song Mặt trận phải sử dụng những thao tác giám sát cơ bản, như theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, cá nhân quản lý nhà nước đã thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra sao, từ đó có quyền và trách nhiệm yêu cầu, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Để giám sát có hiệu quả, trong quá trình giám sát, hoặc giám sát một công việc cụ thể, Mặt trận cần thu thập được thông tin để biết việc thực thi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hoàn thành và hoàn thành đến đâu, với chất lượng thế nào, qua đó giúp đỡ hỗ trợ cho chủ thể quản lý làm việc tốt hơn.

Để phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thường xuyên và thuận lợi, Mặt trận trên cơ sở quy định pháp luật chủ động tạo mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước. Đây sẽ là việc dễ dàng và thuận lợi nếu tất cả đều đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, nhưng trên thực tế có khi “dích dắc” hơn nhiều. Vì vậy, Mặt trận trước hết cần quán triệt thêm cho các cá nhân tiêu biểu và các tổ chức thành viên của mình nhận thức đúng bản chất của phản biện xã hội và giám sát. Phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận trên lĩnh vực công tác tôn giáo của Nhà nước chính là giúp cho các cơ quan nhà nước xây dựng, điều chỉnh quyết sách cho phù hợp với thực tiễn; là sự tương tác, giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các cộng đồng xã hội; nó không phải là chỉ trích, hay phê phán mà là làm sáng tỏ vấn đề, bởi sức thuyết phục của sự trải nghiệm kinh nghiệm và lý luận;… Phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận là nâng cao hiệu lực của Nhà nước và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Nhà nước phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động6.

Công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc thuộc về nội hàm công tác dân vận - vận động nhân dân và gắn liền hữu cơ với công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, hợp thành công tác tôn giáo của cả hệ thống chính trị. Để Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được thực hiện đảm bảo tính khả thi cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong khi tổ chức và phát huy cao độ trách nhiệm của Mặt trận, nhất là trong công tác phản biện xã hội và giám sát đối với các cơ quan Nhà nước trong việc dự thảo cũng như thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, thì cần phải kết hợp với Đảng, Nhà nước trong công tác này. Từ đó, công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc phát huy tính chủ động, sáng tạo để xây dựng và hiện thực hoá kế hoạch, nội dung công tác tôn giáo phù hợp với địa bàn của mình.v

 

Chú thích:

1. Trên thế giới, nhất là Liên hợp quốc, khi cụ thể về quyền tự do tôn giáo thường quy định ở 3 cấp độ, là: tự do hoạt động tôn giáo của cá nhân, tự do tôn giáo của tập thể và tự do tôn giáo của tổ chức tôn giáo. 

2. Tham khảo Bộ luật Dân sự (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017), Chương IV: Pháp nhân, từ Điều 74 – 96.

3. Xem Mục 3, Điều 54 và 55 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. 

4. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Chương I, Điều 4.

5. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Chương I, Điều 4.

6. Theo Điều 9, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:

1.  Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, năm 2004.

2. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, năm 2016.

3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013.

Ngô Hữu Thảo

PGS. TS, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo,UBTƯ MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản